Triển khai Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020: Cần nhiều hỗ trợ về chuyên môn

admin21/11/2015 09:58 AM

Mục tiêu của Đề án là đổi mới toàn diện việc dạy và học Ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, triển khai chương trình dạy và học Ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo. Mục tiêu của Đề án Dạy và học Ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh được đặt ra cụ thể: khoảng 70% trường phổ thông triển khai dạy Ngoại ngữ theo chương trình 10 năm vào năm học 2015-2016, và đạt 100% trường vào năm học 2018-2019.

Chất lượng giáo viên được nâng cao

Đây là điều thấy rõ sau gần 3 năm học Sở GD&ĐT thực hiện việc khảo sát năng lực giáo viên tiếng Anh để nâng chuẩn trình độ nhằm đáp ứng quy định trong Đề án (Theo Đề án, giáo viên tiếng Anh trường tiểu học và THCS phải đạt trình độ từ B2 trở lên, giáo viên trường THPT phải đạt trình độ từ C1 trở lên theo Khung tham chiếu châu Âu).

Ngành Giáo dục đang hướng tới mục tiêu: Khi tốt nghiệp THPT, học sinh học tiếng Anh theo chương trình mới có thể nói chuyện lưu loát với người bản xứ.

Nếu như trong năm học đầu triển khai thực hiện Đề án, có 29 giáo viên tiểu học, 88 giáo viên THCS và 35 giáo viên THPT đạt chuẩn thì đến nay đã có 1.068/1.308 giáo viên các cấp đạt chuẩn (tỉ lệ 81,65%). Trong đó gồm 292/373 giáo viên tiểu học (78,28%); 488/581 giáo viên THCS (83,99%) và 310/354 giáo viên THPT (87,57%).

Ông Trần Văn Cơ, Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT), cho biết: “Ngoài việc khảo sát và bồi dưỡng năng lực chuyên môn, Sở còn tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên như đánh giá định kỳ, đánh giá qua dự giờ, khảo sát chất lượng học sinh. Những động thái này buộc các giáo viên có ý thức cầu tiến và nỗ lực đạt được yêu cầu về năng lực chuyên môn”.

Bên cạnh việc nâng chuẩn giáo viên, từ các nguồn kinh phí được cấp hàng năm, Sở và các phòng GD&ĐT, cũng đầu tư về cơ sở vật chất để xây dựng môi trường thuận lợi cho dạy và học Ngoại ngữ. Ông Trương Văn Khải, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính của Sở GD&ĐT, thông tin: Theo quy định của Đề án, các trường dạy theo chương trình mới phải có phòng học tiếng, phòng nghe nhìn cùng các thiết bị dạy học như máy cassette, đầu video, màn hình, máy chiếu… Căn cứ vào nguồn kinh phí và kế hoạch hàng năm, Sở và các phòng GD&ĐT lần lượt đầu tư rải đều trong các năm.

Cần hỗ trợ về chuyên môn

Trong khi các tỉnh khác khó khăn trong nâng chuẩn giáo viên, loay hoay tìm nguồn kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị thì trong năm 2015, tỉnh ta sẽ hoàn thành các đợt khảo sát năng lực giáo viên cuối cùng, và đa số các trường cũng đã có đủ những thiết bị dạy học tối thiểu. Dù vậy, vẫn có không ít trường chưa bắt đầu chương trình mới. Đặc biệt ở các huyện miền núi, giáo viên đã đạt chuẩn, cơ sở vật chất đã sẵn sàng nhưng nhiều trường vẫn tỏ ra ngại ngần.

So sánh chương trình, sách giáo khoa tiếng Anh hiện hành và mới, về thời lượng, cấp THCS và THPT vẫn giữ nguyên 3 tiết/tuần, chỉ cấp tiểu học tăng gấp đôi số tiết (từ 2 tiết  lên 4 tiết/tuần). Còn về sách giáo khoa thì dễ dàng thấy sự đổi mới khi sách mới ít đơn vị bài học hơn, kết cấu trong từng bài chú trọng rèn kỹ năng nghe, nói (đây là điểm yếu lâu nay của học sinh), để khi kiểm tra học kỳ, học sinh có thể làm tốt bài kiểm tra ở cả 4 kỹ năng cần thiết.

Phân tích ra để thấy, việc dạy-học theo Đề án không tạo ra sự thay đổi lớn về thời lượng (trừ cấp tiểu học chỉ mới được thực hiện thí điểm), chương trình cũng không quá “nặng”, đặc biệt học sinh sẽ có cơ hội phát triển các kỹ năng  cần có. Kết quả khảo sát đầu năm học này của Sở GD&ĐT cho thấy, tỉ lệ học sinh xếp loại khá, giỏi khi học chương trình tiếng Anh theo Đề án cao hơn 15 - 20% so với số học theo chương trình hiện hành, đồng thời kỹ năng nghe - nói giữa học sinh học hai chương trình này cũng có sự khác biệt.

Vậy đâu là nguyên nhân khiến các trường chần chừ? Có ý kiến cho rằng vì giáo viên ngại thay đổi cách dạy- học. Bởi, chương trình mới đòi hỏi giáo viên phải hết sức linh hoạt và sáng tạo, trong khi lâu nay giáo viên đã quen với cách dạy - học một chiều.

Tuy nhiên, qua trao đổi, nhiều giáo viên không đồng tình với ý kiến trên dù thừa nhận không ít người vẫn mang tâm lý ngại thay đổi. Một cô giáo giảng dạy tại một trường THPT ở Quy Nhơn chia sẻ: “Dù đã dạy theo chương trình mới nhưng tôi vẫn chưa hài lòng với những giờ đứng lớp của mình, vẫn đang loay hoay làm sao trong 45 phút của tiết học nói, tất cả 40 học sinh của tôi đều có cơ hội đọc, nói tiếng Anh. Các đồng nghiệp của tôi cũng tâm sự họ đang gặp không ít khó khăn vì sĩ số lớp đông, nên mong muốn những chỉ dẫn cụ thể hơn trong việc triển khai các bài dạy”.

Ngoài năng lực chuyên môn của giáo viên cùng sự đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, phương pháp, cách truyền đạt kiến thức đến học sinh sao cho hiệu quả cũng là điều không kém phần quan trọng để đi đến mục đích cuối cùng để Đề án. Chuyển biến trong ý thức của người học và người dạy cần có thời gian và sự tác động cần thiết. Thêm vào đó, thực trạng trường, lớp đang gây không ít khó khăn cho giáo viên.

Còn đến 5 năm nữa Đề án mới kết thúc, có lẽ là đủ để ngành Giáo dục đưa ra những sự hỗ trợ về chuyên môn cần thiết - nếu bắt đầu từ bây giờ.


Ngọc Tú - baobinhdinh.com.vn(Cập nhật ngày 24-10-2015)

Tin cùng chuyên mục

Bình luận Đăng bình luận