Để được công nhận danh hiệu trường chuẩn Quốc gia, các trường phải đáp ứng 5 tiêu chuẩn về: tổ chức nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; chất lượng giáo dục; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và công tác xã hội hóa giáo dục.
|
Trường THPT đang thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng học sinh để phấn đấu đạt danh hiệu trong năm học này. |
Cấp học mầm non có “bước ngoặt”, THPT còn trở ngại
Không thuận lợi như cấp tiểu học và THCS, việc công nhận trường chuẩn Quốc gia ở cấp học mầm non và THPT trong một thời gian dài bị vướng một số tiêu chí. Vì vậy, đầu năm 2015, khi UBND tỉnh ra Quyết định công nhận mới 10 trường mẫu giáo, mầm non đạt chuẩn Quốc gia, có thể coi đây là một “bước ngoặt”. Bởi, 9 năm trước đó chỉ có 20 trường đạt danh hiệu, rải rác mỗi năm có 3-4 trường đạt danh hiệu, có năm không có trường nào. Theo Phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD&ĐT), hiện có 14 trường đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu này trong năm học 2015-2016.
Các trường mầm non, mẫu giáo trong tỉnh đã bước qua được những ngại ngần, tránh né, đùn đẩy nhau… thay vào đó là sự hăng hái và háo hức đăng ký đạt được danh hiệu. Có chuyển biến này, theo Phó Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non Nguyễn Thị Bích Thủy là nhờ trong một vài năm gần đây, cấp học mầm non của tỉnh được đầu tư đáng kể.
“Khó khăn lớn nhất là về cơ sở vật chất, từ nguồn kinh phí thực hiện chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi cùng một số chương trình mục tiêu Quốc gia khác, tỉnh đã hỗ trợ các địa phương đầu tư xây dựng trường lớp khang trang, mua sắm đầy đủ trang thiết bị dạy học. Chế độ chính sách của giáo viên cũng được đảm bảo. Về phần mình, các cô giáo nỗ lực trau dồi chuyên môn, nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dạy trẻ, vận động phụ huynh gởi trẻ về điểm trường chính để xóa các điểm lẻ, thuyết phục phụ huynh cho trẻ học bán trú và kêu gọi hỗ trợ trường xây dựng cảnh quan xanh-sạch-đẹp…”, bà Thủy trao đổi.
Chưa có được bước tiến về số lượng như cấp mầm non, việc công nhận trường chuẩn Quốc gia ở cấp học THPT vẫn đang gặp rào cản lớn về cơ sở vật chất khi chưa có đủ các phòng học bộ môn và thiết bị dạy học theo quy định của Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, tỉ lệ học sinh xếp loại văn hóa giỏi, tỉ lệ học sinh bỏ học cũng là trở ngại không nhỏ. Theo kế hoạch xây dựng trường THPT đạt chuẩn Quốc gia đến năm 2020 của Sở GD&ĐT, từ số lượng 9 trường hiện có, cuối năm 2015, toàn tỉnh sẽ có 11 trường THPT đạt chuẩn Quốc gia, chiếm tỉ lệ 21,15%; trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ có 19 trường đạt được danh hiệu (tỉ lệ 36,54%).
Hiệu trưởng Trường THPT , bà Lê Thị Điển chia sẻ: “Từ năm học trước, khi xác định phải phấn đấu đạt danh hiệu trường chuẩn Quốc gia, toàn thể cán bộ, giáo viên đã tìm giải pháp hạn chế số lượng học sinh từ xã đảo Nhơn Châu bỏ học, nâng cao chất lượng học sinh khá-giỏi. Không ai có thể nghĩ chúng tôi tự ý nâng điểm hoặc cho đề thi dễ để có được tỉ lệ học sinh khá-giỏi cả, vì cùng với mặt bằng chất lượng được nâng lên, trường đã bắt đầu có những học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp Quốc gia”.
Cần nhiều sự chung tay
Xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia là chủ trương lớn mang tính chiến lược của ngành GD&ĐT nhằm chuẩn hóa cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Mong muốn của ngành là như vậy, nhưng nếu không có sự đồng lòng, tiếp sức thì một mình ngành GD&ĐT không thể làm được.
Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Đức Minh cho biết, một số trường THPT ở thị trấn, phường, trung tâm cụm xã có bình quân diện tích đất/học sinh chưa đạt theo quy định của Bộ GD&ĐT, cần phải mở rộng trường để có sân chơi, bãi tập cho học sinh. Hay nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, đặc biệt là xây dựng phòng học bộ môn đạt chuẩn theo Quyết định số 37/2008 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho các trường trung học còn hạn chế…
Trong kế hoạch xây dựng trường đạt danh hiệu chuẩn Quốc gia đến năm 2020, ngành GD&ĐT thực sự cần sự phối hợp với các cơ quan liên quan quy hoạch đất đai theo quy hoạch mạng lưới trường lớp học và bố trí quỹ đất đảm bảo cho các trường xây dựng chuẩn Quốc gia, thẩm định quy hoạch mở rộng mặt bằng trường học, phân bổ nguồn vốn đầu tư ngân sách theo kế hoạch đề ra, thẩm định các dự án xây dựng trường THPT mới và diện tích đất, tập trung vốn ưu tiên. Đồng thời, tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ.
UBND các huyện, thị xã, thành phố cần phối hợp với Sở GD&ĐT trong công tác chỉ đạo thực hiện Quy hoạch mạng lưới trường lớp học, xây dựng trường THPT đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn. Bên cạnh đó, tích cực tham mưu với cấp ủy Đảng chỉ đạo các đoàn thể tham gia công tác xã hội hóa giáo dục, góp phần hạn chế tình trạng học sinh bỏ học…
Để tạo niềm tin với xã hội về hiệu quả xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Đức Minh khẳng định, khi có thêm nhiều điều kiện dạy-học thuận lợi, toàn ngành sẽ tiếp tục ra sức dạy thật, học thật, nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục - đào tạo.